Tin tức

Khách ‘tố’ FPT, Prudential bán hàng ‘dụ bẫy rồi buộc nút’ (04-03-2010)

Đăng ký iTV chỉ xem được 1 ti vi, nhà có 5 ti vi phải trả thêm 5 lần tiền. Khi ký hợp đồng vay tiêu dùng mới biết mất phí. Các khách hàng ê ẩm vì bị đặt vào thế sự đã rồi 

Tư vấn kiểu à ơi

Ảnh minh hoạ: B.D

Cuối tháng 1/2010, anh Duy Thanh (Hà Nội) được anh H. nhân viên của FPT Telecom tư vấn lắp đặt dịch vụ internet và truyền hình iTV. Tin tưởng với sự tư vấn của nhân viên khi được giới thiệu tính ưu việt của iTV, anh đã ký hợp đồng nhanh chóng, đặt cọc 1,1 triệu đồng.

Tuy nhiên khi kỹ thuật viên FPT đến lắp đặt, anh Thanh mới vỡ lẽ mỗi hộp Settopbox (STB) giá 880.000 đồng chỉ tương ứng một ti vi. Nhà có 5 ti vi nên để xem được truyền hình trên tất cả số ti vi này anh phải chi trả gấp 5 lần (tức 4,4 triệu).

Anh Thanh cho biết: “Tôi đã thấy không hợp lý vì sự tư vấn không rõ ràng nên gọi điện cho anh H. yêu dừng hợp đồng thì anh H. trả lời còn đang ở quê nên hẹn mấy ngày sau mới giải quyết”.

Sau 4 ngày đề nghị huỷ hợp đồng lắp đặt không thấy phản ứng gì từ phía nhà cung cấp, anh Thanh liên lạc đề nghị làm lại hợp đồng, lại được trả lời: FPT sẽ thay bằng hợp đồng internet bình thường nhưng sẽ không hoàn trả tiền anh đã mua STB lắp truyền hình.

Anh Thanh kể: “Bên FPT nói rằng tôi phải tự chịu trách nhiệm về những thứ đã mua, công ty sẽ không thanh toán lại khoản đó, dù thiết bị tôi chưa sử dụng một phút nào. Tôi còn được khuyên nên bán thiết bị cho bạn bè. Đúng là há miệng mắc quai!”

Ở thế “sự đã rồi”, anh Thanh đành dùng dịch vụ iTV cho 1 ti vi duy nhất; 4 chiếc còn lại anh lắp ăng-ten râu để xem truyền hình.

Nhận phản ánh này từ VietNamNet, FPT Telecom đã kiểm tra lại sự việc và gửi lời xin lỗi khách hàng rằng đã chưa tư vấn đầy đủ để khách hiểu rõ về sản phẩm dịch vụ sẽ sử dụng.

FPT Telecom cho biết, sau khi anh Thanh yêu cầu thanh lý hợp đồng cũ, chỉ ký hợp đồng sử dụng dịch vụ internet thông thường (không có iTV), bộ phận chăm sóc khách hàng FPT đã giúp anh chuyển đổi dịch vụ. Những chi phí chênh lệch từ việc thanh lý hợp đồng cũ sang sử dụng dịch vụ mới sẽ được FPT trừ dần vào cước trả trước hàng tháng. Phương án này được anh Thanh đồng thuận.

Vay tín dụng như bị sập bẫy

Khi ký hợp đồng anh T. mới vỡ lẽ không được tư vấn rõ ràng- Ảnh: B.D

Đầu tháng 11/2007, anh V.Đ.T (TP.Hồ Chí Minh) ký hợp đồng vay vốn 72 triệu đồng với công ty TNHH Một thành viên Tài chính Prudential (hợp đồng số 10000915). Phản ánh với VietNamNet, anh cho biết, trước khi ký hợp đồng, anh được tư vấn không rõ ràng.

Theo lời của nhân viên tư vấn, thời hạn của hợp đồng là 36 tháng, lãi suất 1.2%, số tiền phải thanh toán hàng tháng (gồm nợ gốc và lãi vay hàng tháng) là 2 triệu 863.900 đồng. Thời gian từ khi được tư vấn đến khi anh ký kết hợp đồng là khoảng gần 1 tháng. Trong thời gian này, nhân viên của Prudential cũng đã đến nhà để xác minh tình hình tài chính. Sau đó anh T. cũng đã trao đổi thông tin với nhân viên tư vấn một lần nữa về nội dung của hợp đồng.

Tuy nhiên đến khi ký kết hợp đồng, anh T. mới té ngửa, để vay 72 triệu đồng, ngoài số tiền nợ gốc và lãi sẽ phải thanh toán hàng tháng, anh còn phải chi trả 2 triệu 376.000 đồng lệ phí, đồng thời biết thêm thông tin nếu trả trước hạn sẽ bị phạt 2%.

Anh T. cho hay: “Đã mất gần 1 tháng tìm hiểu và đi lại để đi đến quyết định vay khoản tiền đang cần, vậy mà đến khi ký kết mới biết phải trả thêm gần 3 triệu tiền phí. Lúc này đang cần tiền, không kịp để hỏi lại bạn bè hay vay vốn nơi khác, tôi ở trong thế sự đã rồi, đành nhắm mắt ký hợp đồng với Prudential”.

Thời điểm hiện tại, anh T. vẫn đang được thực hiện hợp đồng. Chia sẻ với VietNamNet thông tin này, anh mong rằng nhiều khách hàng khác, trước khi ký kết hợp đồng vay vốn cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh trường hợp bị nhân viên tư vấn “nhập nhoạng” và mãi mang theo cảm giác bị giăng bẫy như anh.

Mưu kế “sự đã rồi”

Khi xưa, Tôn Quyền, Chu Du  dụ Lưu Bị sang Đông Ngô làm rể để bắt làm con tin, đòi lại Kinh Châu. Khổng Minh tương kế, tựu kế sai Triệu Vân hộ tống Lưu Bị, khi sang đến nơi lập tức ra mắt Kiều Công – thông gia với nhà Tôn Quyền rồi cho quân lính phao tin Lưu Bị sang làm rể Đông Ngô.

Tin này đến tai mẹ Tôn Quyền, sau đó bà đồng ý nhận Lưu Bị làm con rể. Hôn nhân giả thành thật, đẩy Tôn Quyền vào thế sự đã rồi, ngậm cay nuốt đắng đành gả công chúa cho Lưu Bị.

Người tiêu dùng ngày nay, đôi khi dễ bị doanh nghiệp giăng thiên la địa võng, đặt vào thế sự đã rồi. Khi mắc mưu rồi, dễ mà kêu ai!

  • Bình Dương- VNN
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thitruongviet.com.vn. Xin cảm ơn!
Copyright © 2023 - 2024 | thitruongviet.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status